Cúng ông Công, ông Táo và sự thật về Táo quân ít người biết

Giadinhnet - Ngày 23 tháng Chạp là một ngày quan trọng trong Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong sự giao thoa văn hóa, có rất nhiều người hiểu sai về hình tượng Táo Quân và cho rằng Ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cúng ông Công, ông Táo và sự thật về Táo quân ít người biết

Nghi lễ trang trọng với người trông coi bếp lửa

Nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương cho biết: Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả.

Táo Quân của người Việt đậm chất minh triết

“Qua truyền thuyết của dân tộc Việt truyền lại, chúng ta thấy rằng hình ảnh Táo Quân của ta hoàn toàn khác với Ông Táo hay Thần Bếp của dân gian Trung Quốc là Ông Thần Lửa tên là Chúc Dung” – Nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải lý giải - Hình tượng Táo Quân của Việt Nam là "hai ông một bà": Thổ Công, Thổ Địa, Thổ kỳ. Đây cũng chính là hình tượng của Ông Đầu Rau trong bếp Việt cổ.

Trong âm dương ngũ hành thì Bếp thuộc Âm, thuộc về người phụ nữ. Rõ ràng chúng ta thấy được ý nghĩa của hình tượng Táo Quân - Thần Bếp từ nền văn hóa Việt Nam khác hẳn với Thần Lửa là đàn ông của văn hóa Trung Quốc.

'
Tranh Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ đậm chất minh triết và văn hiến
'

Tranh Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ đậm chất minh triết và văn hiến

Ông Hoàng Triệu Hải cho rằng Táo Quân của Trung Quốc thiên về mê tín hơn là tính minh triết (sáng sủa, rõ ràng). Đó có lẽ là do thất truyền trong qua trình tiếp biến văn hoá Việt tộc. Hình tượng Cá Chép của người Việt bị thay thế bởi Ngựa của người Hán. Bộ ba 2 ông Táo và 1 bà Táo bị thay thế bởi danh xưng Đông Trù Tư Mệnh và cặp đôi Tô Cát Lợi và Vương Thị…

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, người đã sống và đi nhiều nơi tại Trung Quốc và Mông Cổ thì lý do là vì lối sống du mục của tổ tiên Hán tộc không có hình tượng căn bếp với “3 ông đầu rau” mà bếp lò của nhà lều truyền thống phương Bắc là một dạng bếp đắp kín với “ống khói” thông lên mái lều để hút khói. Trên mặt bếp khoét một lỗ tròn to để nấu nướng. Đó là khác nhau căn bản từ thực tế cuộc sống cho đến minh triết của thần Táo.

Và với lối sống du mục, một năm dời nhà 2, 3 lần theo mùa và thời tiết cho phù hợp với đối tượng chính yếu là đàn gia súc, thì tín ngưỡng thần Táo coi sóc và báo cáo sự việc xảy ra trong cả năm đối với Hán tộc phương Bắc là vô nghĩa. Điều này chỉ đúng với không gian văn hoá Bách Việt (và Lạc Việt) nền văn minh và văn hiến 5000 năm ở đồng bằng Dương Tử đến Việt Nam, mà trong đó Lạc Việt vẫn còn lưu giữ. Đó là một di sản văn hoá quý báu mà cha ông ta để lại.

'
Tranh thờ Táo Vương của Trung Quốc
'

Tranh thờ Táo Vương của Trung Quốc

Một hình ảnh gắn liền với lễ Táo Quân chính là con cá chép. Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không?

“Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại. Con cá chép thuộc hành thủy và trong những di sản văn hóa phi vật thể của nền văn hiến Việt chính là những bức tranh dân gian” – nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải nhấn mạnh.

Ông cho hay: Chúng ta thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông Hồ: Một con cá mẹ với 5 con cá con. Đây chính là mô tả "Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi" (“Số Trời 1 sinh Thủy, thành số Ðất 6” – một trong những con số đại diện cho 5 yếu tố vận động trong vũ trụ), cũng giống như bức tranh một lợn mẹ cùng 5 lợn con.

Cá chép được coi là đại diện của sự dư dả. Theo quan niệm phương Đông, cá chép tượng trưng cho sức khỏe và tài lộc. Trong đường quan lộ, cá chép là biểu tượng của sự thăng tiến, công danh.

'
Tranh Đàn cá - Tranh dân gian Đông Hồ, thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi.
'

Tranh Đàn cá - Tranh dân gian Đông Hồ, "thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi".

Và hình tượng Táo Quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa thủy Vị tế trong Kinh Dịch. “Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 quẻ Việt Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành” – nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải nói.

Hà Anh